Tôi học được gì trong 6 tháng đầu năm 2022

Tôi học được gì trong 6 tháng đầu năm 2022

Hôm nay là một ngày thứ bảy nắng đẹp. Tôi thức dậy khá sớm như mọi ngày rồi cứ nằm mãi cho tới trưa. Một giác trống rỗng, không còn chút sức lực nào. Tôi chỉ còn hứng thú duy nhất với công việc, giải quyết những bài toán ở công ty khiến tôi cảm thấy não mình đang tư duy và tiến bộ. Tôi nghĩ thay vì cứ ủ rũ mãi thì có lẽ tôi nên ngồi viết về những gì tôi học được trong 6 tháng đầu năm. Có lẽ, tôi sẽ thấy khá hơn.

Trở nên mạnh mẽ hơn

Lex Fridman có nói một câu đại ý rằng "Bạn nên thử làm những thứ khiến mình sợ hãi để vượt ra ngoài vòng tròn thoải mái của mình". Những ai làm việc cùng tôi sẽ có cảm giác như tôi rất "giỏi tiếng anh" nhưng thực tế là tôi nói rất dở và sợ người khác chê tôi. Đấy là lý do tôi thà nói chuyện với cái app ELSA chứ nhất quyết không chịu tới lớp học nói.

Một điều tình cờ xảy ra đầu năm nay là tôi lỡ tay bấm gửi resume cho một công ty ở Mỹ trên Linkedin. Một ngày sau thì HR nhắn tin hỏi tôi sắp xếp một buổi phỏng vấn với ông ấy. Tôi đã hãi tới mức nhìn cái tin nhắn đấy cả tiếng đồng hồ, nghĩ xem mình có nên nói thật là chỉ lỡ nghịch thôi. Bao nhiêu suy nghĩ trong đầu tôi như lỡ ổng hỏi mà tôi nghe không hiểu gì, lỡ tôi nói sai? Câu nói của Lex lại vang lên trong đầu. Hừ, tôi nhất định phải vượt qua nỗi sợ này. Tôi đã sợ nó lâu quá rồi.

Tôi tra google về bí quyết phỏng vấn, rồi viết ra những thứ mình muốn trình bày và những thắc mắc của bản thân về vị trí. Buổi phỏng vấn diễn ra rất ổn với tôi. Người phỏng vấn tôi rất thân thiện và câu chuyện trở nên cởi mở hơn nhiều. Và cũng vì là phỏng vấn với HR để sàng lọc ứng viên nên nó cũng dễ thở hơn phỏng vấn kỹ thuật. Hiển nhiên là vì level tuyển khá cao nên tôi biết chắc mình sẽ rớt. Sau chuyện này, tôi nhận ra mình nói cũng không tệ lắm. Kết quả là tôi phỏng vấn chục công ty tiếp theo mà không một chút lo ngại về tiếng anh của bản thân.

Biết tự lượng sức mình

Tôi lại burnout theo một cách không thể ngờ tới vào tháng 6.

Câu chuyện bắt đầu như thế này. Một người bạn hỏi tôi có muốn thử lịch tập anh ấy thiết kế không. Lịch tập này khác nhiều so với tất cả những lịch tập mà tôi từng thử, tập nhiều rep và tăng volume hàng tuần. Vì tò mò nên tôi đã đồng ý.

Tuần đầu tiên, tôi đau cơ tới mức không tài nào tập trung code được. Cứ gõ phím vài phút thì lại phải ngồi bóp người hoặc đứng lên dãn cơ. Tuần thứ hai, volume tiếp tục tăng nhưng do đã quen hơn nên dù vẫn bị đau như tuần đầu, tôi vẫn tiếp tục tập. Sang tuần thứ ba, tôi thấy mình thật tệ. Tôi khóc ầm lên ở buổi số 3, cảm giác hệ thần kinh không chịu làm việc nữa. Tuần thứ tư, tôi vẫn nghĩ mình sẽ cố được nhưng tôi nhầm to. Vì tôi vẫn đau, vẫn khóc như mưa và performance thì đi xuống.

Tôi hầu như không thấy huấn luận viên Việt Nam nào nhắc tới cảm xúc và hệ thần kinh trong tập tạ. Anh bạn tôi có vẻ dửng dưng với chuyện này. Với ổng và nhiều người, đau cơ có lẽ là niềm vui và sự tự hào vì "No pain, no gain". Trong suy nghĩ của tôi, tất cả những thứ tôi gắn bó lâu dài đều phải VUI khi làm. Tôi đồng ý rằng chúng ta chấp nhận việc "đau cơ ngắn hạn" ở một mức nào đấy như một phần không thể thiếu trong quá trình luyện tập để đổi lại "niềm vui dài hạn" khi thấy body mình "đẹp" hơn. Tuy nhiên, khi niềm vui dài hạn không bù đắp nổi đau cơ ngắn hạn thì bạn có thể sẽ như tôi - BURNOUT.

Từ bé tới giờ, dù tập tành chăm chỉ nhiều môn thể thao nhưng tôi chưa bao giờ burnout tới mức một tuần sau không recover nổi nên trải nghiệm này thật bất ngờ và hữu ích. Tôi biết giới hạn của mình ở đâu, hiểu rõ mình muốn gì và không muốn gì. Giờ nếu ai nói với tôi hãy "cháy hết mình" khi tập đi, tôi sẽ nghĩ người đó hoặc là siêu nhân còn không thì là siêu ngu.

Giao tiếp có chọn lọc

Từ bé tới giờ, tôi có rất ít bạn. Càng lớn thì tôi lại càng gặp ít người có cùng sở thích với tôi nên thường thì tôi giải trí một mình với sách hoặc Youtube. Cái ý nghĩ phải từ chối một ai đó vì mình không thích cái gì đấy hay nói ra việc mình cảm thấy bị ai đó xúc phạm khiến tôi vô cùng sợ hãi. Vì tôi sợ người khác sẽ quay lưng với tôi. Tôi sợ cảm giác chỉ có một mình. Tôi thường im lặng hoặc giả vờ rằng nó cũng rất ổn với mình nhưng kỳ thực là tôi đang nói dối một cách xã giao. Sau đó, tôi về nhà, ngồi vài tiếng tự trách bản thân để rồi lần sau lại tiếp tục dối lòng.

Tôi vẫn nghĩ tôi sẽ ổn thôi cho tới cái ngày tôi cảm thấy hoàn toàn trống rỗng và việc phải mở miệng ra nói chuyện với bất kỳ ai cũng khiến tôi trở nên bấn loạn một cách khó hiểu. Chuyện này cứ liên tục lặp lại khiến tôi phải chú ý đặc biệt tới nó. Tôi không thiếu dinh dưỡng, tập tành chăm chỉ, các số liệu về giấc ngủ cũng ổn và mức lương tăng tốt. Chả có cái áp lực nào đè lên tôi cả. Liệu tôi có đang bỏ sót điều gì không?

Vào một ngày nọ, sau khi chịu hết nổi, tôi hít một hơi, lịch sự nói với bố mình rằng tôi không thể chịu nổi việc ông chửi bới và dùng bạo lực với tôi. Tôi muốn ông cư xử và nói chuyện lịch sự hơn. Và nếu ông muốn đánh tôi, tôi sẵn sàng nhào vào mà không quan tâm tới chuyện hậu quả. Bố tôi im lặng và từ đó trở đi, ông có vẻ bình tĩnh hơn. Đó thực sự là một cú sốc với tôi và với bố tôi vì tôi đã im lặng rất nhiều năm trong đời mình. Một điều kỳ lạ đã xảy ra, tôi thấy nhẹ nhõm. Tôi bắt đầu tin rằng nếu tiếp tục im lặng và dối lòng, tôi sẽ phát điên và những triệu chứng bất ổn kia sẽ ngày càng nặng lên.

Tôi ra một quyết định điên rồ là nếu ai đó công kích tôi trực tiếp, tôi sẽ nói thẳng với họ rằng tôi cảm thấy bị xúc phạm. Nếu họ là bạn của tôi và điều này diễn ra nhiều hơn ba lần hoặc khi tôi điên lên, tôi sẽ unfriend họ. Tất nhiên, công sở là chốn duy nhất mà cho dù chuyện gì xảy ra, tôi vẫn phải "đeo mặt nạ" và "chiến đấu". Đấy là giới hạn duy nhất tôi dành cho mình. Ra khỏi công sở, tôi sẽ chỉ giao tiếp vì tôi thấy cuộc hội thoại thú vị chứ không phải ép mình vì một nỗi sợ nào đấy.

Trong vòng 1 tháng, ngoài đồng nghiệp và gia đình, tôi tránh gặp bất kỳ ai, kể cả bạn thân (trừ khi bạn thật đặc biệt). Tôi thấy mình tập trung hơn và bắt kịp trình độ với đồng đội nhanh hơn vì không bị phân tán bởi việc làm hài lòng nhiều người. Bên cạnh đó, thay vì mệt lử sau khi giao tiếp, tôi có thời gian cho sở thích cá nhân như viết blog, đọc sách và tập đàn.

Tôi muốn làm gì trong 6 tháng tới?

Đầu năm tôi có viết một cái resolutions như sau.

Screen Shot 2022-07-02 at 8.17.54 PM.png

Đầu tư hay kinh tế nói chung đều là những chủ đề mà tôi cực ít hứng thú. Lý do chính tới từ sự ám ảnh tâm lý xảy ra hồi đại học. Bằng một lý do gì đấy mà hầu hết các ký ức về đại học của tôi đều biến mất. Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, tôi đều thấy những bức hình rất mờ, không rõ ràng. Thậm chí, tôi còn không nhớ được tên bạn học cùng, trừ một vài người đặc biệt. Tôi hi vọng mình sẽ tìm ra cách để vượt qua sự ám ảnh này để tầm nhìn của tôi ngày càng rộng lớn hơn. Tôi sẽ có tài chính tốt hơn và bớt thấy bất lực khi có biến cố kinh tế xảy ra với mình.

Ba cái gạch đầu dòng cuối là ba thứ khó nhất mà hiện giờ tôi vẫn chưa làm được. Tôi vẫn chưa thấy mình vui vẻ và khi không vui thì tôi chỉ thích ở một mình. Thật khó để quan tâm tới người khác khi bên trong tôi còn quá nhiều bất ổn. Tôi hi vọng mình có thể mở lòng hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi cần mạnh mẽ hơn để không bị gục ngã trước sóng gió.

Mấy năm trước, có một người thầy nói với tôi rằng viết là một cách trị liệu tâm lý, giúp bản thân thấy tốt hơn. Tôi nghĩ người đó đã đúng. Ít nhất là giờ tôi đã thấy khá hơn.

Did you find this article valuable?

Support Anh Nhat Tran by becoming a sponsor. Any amount is appreciated!